Hà Nội cấm ghi âm, ghi hình cán bộ tiếp dân nếu chưa xin phép
649 views

Tin nóng: Mới đây chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ban hành nội quy cấm ghi âm, ghi hình cán bộ tiếp dân ở trụ sở tiếp công dân thành phố nếu chưa xin phép.

Hà Nội cấm ghi âm, ghi hình cán bộ tiếp dân nếu chưa xin phép
Hà Nội cấm ghi âm, ghi hình cán bộ tiếp dân nếu chưa xin phép

Theo đó, công dân đến trụ sở này phải xuất trình giấy tờ tùy thân, có thái độ đúng mực, tôn trọng, tuân thủ sự hướng dẫn của cán bộ, nhân viên bảo vệ… và “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”.

Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) cho hay, trong nội quy tiếp công dân tại trụ sở của ban cũng có quy định tương tự.

Theo ông, việc công dân quay phim, ghi âm để giám sát cũng tốt nhưng có một số người dùng biện pháp đó với dụng ý khác; thậm chí nhiều người livestream các buổi tiếp công dân trên mạng xã hội kèm theo bình luận thiếu chuẩn mực làm ảnh hưởng đến người tiếp dân.

“Quy định thì như thế nhưng tại nhiều buổi tôi tiếp công dân, mọi người đều ghi âm, chụp hình, thậm chí livestream”, ông Điệp nói và cho rằng quy định trên là cần thiết để đảm bảo sự tôn nghiêm của cơ quan công quyền.

Cùng quan điểm, luật sư Vũ Tiến Vinh nói trước hết người cán bộ tiếp dân có quyền bảo vệ hình ảnh riêng tư của mình theo Bộ luật Dân sự; quy định như trên cũng góp phần hạn chế tình trạng khi vụ việc khiếu nại chưa được giải quyết thì công dân đã chụp ảnh, quay phim đưa lên mạng xã hội.

Ở góc nhìn khác, ông Bùi Văn Xuyền – Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, TP.Hà Nội ra quy định căn cứ vào Luật Tiếp công dân, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và nghị định liên quan, song các văn bản này lại không có những chế định đó. “Như vậy quy định của Hà Nội là không đúng thẩm quyền”, ông nói.

Dẫn chiếu việc ghi âm, ghi hình đối với cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ từng gây tranh cãi trước đây, đại biểu Xuyền cho rằng cán bộ tiếp dân cũng đang thực thi công vụ chứ không phải tư cách cá nhân, như vậy không thuộc phạm vi bí mật đời tư.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc ghi âm, ghi hình và sử dụng như thế nào phải tuân theo những quy định của pháp luật tương ứng.

“Công dân có thể sử dụng các dữ liệu đó để đảm bảo quyền của mình, ví dụ làm căn cứ xác định cán bộ tiếp dân đã tiếp nhận đơn thư chưa, trả lời dân như thế nào…, nhưng không được sử dụng để đăng lên mạng xã hội với mục đích bôi nhọ”, ông nói.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho rằng, đọc quy định trên thấy không phải khi cán bộ tiếp công dân sẽ cấm hoàn toàn việc người dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm. Quy định này dành quyền chủ động cho công chức quyết định, nghĩa là nếu cán bộ tiếp công dân đó đồng ý thì người dân cứ quay phim, ghi âm bình thường cuộc làm việc.

Vẫn theo đại biểu Nhưỡng, quy định nêu trên cũng là cần thiết để tránh tình trạng có người quay phim xong đưa lên mạng với mục đích không lành mạnh làm ảnh hưởng đến công việc của nhà nước. Vấn để thứ hai, trụ sở tiếp công dân là cơ quan công quyền, tại đó phải có nội quy khi công dân đến làm việc phải tôn trọng nội quy. “Khi quay phim, chụp ảnh đối với không ít cán bộ tiếp công dân họ cảm thấy bị phân tâm, làm việc khó. Nhưng cũng có người cảm thấy bình thường. Với quy định nêu trên thì việc công dân được quay phim, chụp ảnh, ghi âm hay không phụ thuộc vào quyết định của cán bộ tiếp công dân tại đó”, Phó Ban Dân nguyện nói.

Ông nói thêm: Tôi nghĩ cán bộ tiếp công dân thường là những người có kinh nghiệm trong giao tiếp, ứng xử, vững về chuyên môn nên không việc gì phải ngại cuộc làm việc với người dân đã bị ghi âm, ghi hình. Người dân đến làm việc cứ để họ quay phim, ghi âm, nhưng phải giữ trật tự, không lộn xộn gây ảnh hưởng đến việc tiếp công dân. Đối với người dân sau khi làm việc có đoạn ghi âm hay clip có thể làm họ yên tâm hơn, bởi đó còn là căn cứ trong quá trình giải quyết công việc.

Theo luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), quy định trên sẽ gây nhiều tranh cãi về mặt kĩ thuật lập pháp, kĩ thuật xây dựng văn bản… Bởi Hiến pháp 2013 đã quy định tương đối đầy đủ các quyền tự do cơ bản của công dân, theo đó: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình.

Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định (Điều 25); Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân (Điều 28)…

Theo quy định tại khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì nguyên tắc: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của Luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng”.

Vị luật sư nêu quan điểm, nội quy quy chế này không được đưa ra những quy định trái với những văn bản pháp luật nêu trên. Những hành vi cấm đoán, hạn chế quyền tự do cơ bản của công dân phải căn cứ vào các văn bản luật chứ không được quy định bởi những văn bản dưới luật theo nguyên tắc quy định tại khoản 2, điều 14 Hiến pháp 2013.

“Hiện nay trong Luật tiếp công dân không có quy định cấm hay hạn chế công dân quay phim, chụp ảnh khi thực hiện thủ tục tiếp công dân, nên nếu ủy ban TP.Hà Nội đưa ra quy định này trong nội quy tiếp công dân thì cũng cần có luận giải, giải thích về căn cứ pháp lý trong kĩ thuật xây dựng văn bản đối với nội dung này để người dân hiểu và tự nguyện chấp hành” – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp nói.

Theo luật sư này, nếu không sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình trong quá trình tiếp công dân thì sẽ không phát huy được mặt tích cực của công nghệ.

Việc ghi hình, sử dụng các thiết bị giám sát trong quá trình tiếp công dân sẽ là những chứng cứ khách quan, quan trọng để xem xét việc tuân thủ pháp luật của cán bộ, công chức cũng như của công dân khi thực hiện luật tiếp công dân. Khi có sự kiện pháp lý xảy ra, có những tình huống và chạm, mâu thuẫn thì những chứng cứ ghi âm, ghi hình này là cần thiết để xử lý bất cứ bên nào (người tiếp công dân hoặc công dân) khi những người đó có hành vi vi phạm nội qui, vi phạm pháp luật.

Nếu không có thiết bị ghi hình thì những hành vi không thực hiện đúng nội qui, không thực hiện đúng các quy định pháp luật sẽ khó có chứng cứ để xử lý trước pháp luật, cho dù người vi phạm là cán bộ tiếp công dân hay là công dân có mặt tại đây.