Phơi bày chuyện đóng tiền ‘chống trượt’ để có chứng chỉ đầu ra tiếng Anh
618 views

Tin nóng: Gần đây, điều tra của một tờ báo cho thấy trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã tạo dựng các kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ sai quy định. Các sinh viên trường này phải đóng tiền chống trượt để có chứng chỉ đầu ra môn tiếng Anh.

Phơi bày chuyện đóng tiền 'chống trượt' để có chứng chỉ đầu ra môn tiếng Anh
Phơi bày chuyện đóng tiền ‘chống trượt’ để có chứng chỉ đầu ra môn tiếng Anh

Cụ thể giảng viên khoa Ngoại ngữ của trường này sẽ thu của mỗi sinh viên 1,9 triệu đồng cho việc ôn luyện thi lấy chứng chỉ TOIEC, nhưng thực chất là để “chống trượt”.

Những sinh viên tham gia ôn luyện được dạy học thuộc lòng bộ đề thi cho sẵn. Các câu hỏi trong đề thi thật giống tới 80% như đề đã được cho. Những sinh viên đã đóng phí “chống trượt” không làm được bài, đều mặc định được 460 điểm TOIEC. Sinh viên nào không chịu đóng khoản phí  1,9 triệu đồng/người thì sẽ “auto trượt” – như cách nói của sinh viên, hoặc sẽ “bị chấm theo cách khác” – như thừa nhận của chính các giảng viên.

Theo tìm hiểu có 2 cách để các sinh viên Đại học Công nghiệp tiếp cận với gói thi “chống trượt” . Một là cứ hàng tháng, tại nhóm kín trên facebook có tên “Nhóm thi Tiếng Anh đầu ra HAUI”, quản trị nhóm sẽ phát thông báo mời gọi kèm khuyến mại là “nộp tiền sớm được giảm 100.000 đồng”. Hai là các sinh viên có thể tự liên hệ với khoa Ngoại ngữ để ghi danh. Trong trường hợp trượt (rất hiếm), sinh viên được “bảo hành” đến đợt thi sau.

Quản trị viên của nhóm kín được giới thiệu là giảng viên khoa Ngoại ngữ (Đại học Công nghiệp Hà Nội) có công việc chính là thường xuyên đăng tải những thông tin về những khóa học mới, kêu gọi các học viên đóng tiền thật sớm gói “chống trượt” để ra trường đúng hạn.

Theo ghi nhận thực tế, không ít các sinh viên chỉ đi học buổi cuối để lấy đáp án bài thi về học thuộc. Sau khi chuyện thi chhống trượt được đăng tải trong vài phút nhóm kín này đột nhiên biến mất trên Facebook, không còn lưu lại bất kỳ dấu tích.

Một số cựu sinh viên trường Đại học Công nghiệp cho hay, thực chất gói thi “chống trượt” đầu ra ngoại ngữ đã tồn tại nhiều năm ở thời người này học nó chỉ có giá 1,5 triệu đồng  giờ đã tăng lên 1,9 triệu đồng. Trong khi, rất nhiều ý kiến khác lại tỏ ra cảm thông đối với các em sinh viên khóa dưới bởi khi sự thật lộ ra các em sẽ khó mà ra trường.

Thông tin trước báo chí, ông Trần Đức Qúy – Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho rằng, nhà trường đã họp và xác minh nội dung thông tin báo chí đăng tải. Đồng thời cho rằng, trường chưa bao giờ có khoản tiền chống thi trượt. Khoản tiền các sinh viên phải nộp là khoản thu dành cho các sinh viên yếu về kỹ năng ngoại ngữ. Đó là tiền đăng ký học bổ sung kiến thức nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra theo quy định.

Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội không tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ mà chỉ có một kỳ thi nội bộ để kiểm tra và công nhận đạt chuẩn đầu ra. Ban lãnh đạo nhà trường vẫn sẽ tổ chức họp và làm tường trình báo cáo tới cơ quan chủ quản là Bộ Công thương và Bộ GD&ĐT, tiếp tục làm việc với các cá nhân, đơn vị để xác minh thông tin và xử lý nghiêm sai phạm (nếu có).

Sự việc vẫn đang trong quá trình xác minh, làm rõ, song với TS. Lê Viết Khuyến – Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam) cho rằng, cần xử lý nghiêm túc theo quy chế. Không bất ngờ với việc làm này, theo TS. Khuyến, sự việc có nguồn gốc sâu xa từ… cơ chế quy định đã nảy sinh ra gian lận.

Cụ thể, Quy chế Đào tạo ĐH hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ (Quyết định 43/2007/QĐ-BGDĐT) quy định sinh viên phải tích lũy được số tín chỉ các môn học theo quy định. Môn nào cũng phải thi và đạt kết quả điểm từ trung bình trở lên, trong đó có môn tiếng Anh, mới đảm bảo điều kiện tốt nghiệp. Một số trường quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ TOIEC, IELTS đạt số điểm cho phép của trường. Những sinh viên không đạt không được cấp bằng, điều này là sai quy chế thi tốt nghiệp.

Thời gian qua, câu chuyện sinh viên các trường ĐH, CĐ chật vật để đạt chứng chỉ ngoại ngữ theo chuẩn mới phổ biến ở các trường cũng đã được bàn luận rất nhiều. Bên cạnh mục đích nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đào tạo nguồn chất lượng có trình độ ngoại ngữ đáp ứng hội nhập quốc tế… song chuyện hàng năm ở một trường đại học có hàng trăm, thậm chí cả ngàn sinh viên trước nguy cơ bị đuổi học, không được cấp bằng tốt nghiệp do không có chứng chỉ ngoại ngữ cũng rất phổ biến.

Điều này đặt ra câu hỏi về năng lực đào tạo ngoại ngữ yếu kém nhưng thi lại rất khó, điều này buộc sinh viên phải học thêm, luyện thi mới đáp ứng dược yêu cầu cấp chứng chỉ. Ngoài ra, quy chuẩn ngặt nghèo này cũng dễ nảy sinh tiêu cực, các trường “đua nhau” mở các khóa bồi dưỡng, luyện thi mà nhiều người gọi là tiền “chống trượt”, không đăng ký thì dễ trượt vì đề thi khó, đăng ký học ôn lệ phí cao, nhưng chỉ học cốt sao qua kỳ thi, chứ không phải là nâng cao trình độ ngoại ngữ.